Hệ thần kinh: Giải phẫu cấu tạo và chức năng trong cơ thể người

admin

Hệ thần kinh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ thể con người. Vậy hệ thống thần kinh là gì? Giải phẫu cấu tạo, chức năng và cách hệ thống thần kinh hoạt động như thế nào?

hệ thần kinh

Hệ thần kinh là gì?

Hệ thần kinh là một hệ cơ quan có mức độ phân hóa cao nhất trong cơ thể, có hình dạng ống và được phân bố thành một mạng lưới rộng khắp cơ thể. Hệ thống thần kinh được coi là trung tâm chỉ huy của cơ thể, đảm nhiệm vai trò kiểm soát và điều tiết mọi hoạt động, chức năng của cơ thể như vận động, di chuyển, thở, phản ứng, suy nghĩ, trí nhớ… Hệ thống thần kinh giúp con người kết nối với cả môi trường bên ngoài lẫn bên trong.

Trong hoạt động sống thường ngày, hệ thần kinh tiếp nhận hàng triệu mã thông tin từ các cơ quan cảm giác khác dẫn truyền về. Sau đó sẽ tích hợp và phân tích, từ đó đưa ra phản ứng thích hợp. Dựa vào cơ sở này, con người có thể thích nghi, đảm bảo sự thống nhất của thể chất và tinh thần đối với môi trường sống. (1)

giải phẫu hệ thần kinh
Hệ thần kinh phân bố thành mạng lưới đi khắp cơ thể

Giải phẫu hệ thần kinh bao gồm những gì?

Cấu tạo của hệ thần kinh bao gồm hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi. (2)

1. Hệ thống thần kinh trung ương

Hệ thần kinh trung ương bao gồm não và tủy sống, có vai trò chủ chốt đối với hệ thống thần kinh ở người.

1.1. Não

Não bộ được chia thành bốn vùng riêng biệt: thân não, đại não, tiểu não và não giữa. Các vùng não khác nhau kết hợp với nhau để kiểm soát suy nghĩ, trí nhớ, cảm xúc, xúc giác, kỹ năng vận động, thị giác, hơi thở, cơn đói, thân nhiệt và nhiều quá trình khác diễn ra trong cơ thể.

Não bao gồm chất xám và chất trắng. Trong đó, chất xám có vai trò xử lý và diễn giải thông tin, chất trắng truyền thông tin đến các khu vực khác của hệ thống thần kinh.

1.2. Tủy sống

Có tổng cộng 31 cặp dây thần kinh và rễ thần kinh tạo nên tủy sống. Tủy sống có cấu trúc giống như dạng ống kéo dài từ não, được phân loại dựa vào vị trí ở vùng cổ, ngực và thắt lưng ở cổ hoặc ngực, lưng dưới.

2. Hệ thống thần kinh ngoại vi

Hệ thần kinh ngoại vi (còn gọi là hệ thống thần kinh ngoại biên) bao gồm hệ thống các dây thần kinh chạy khắp cơ thể. Các dây thần kinh phân nhánh từ tủy sống, truyền thông tin từ não và tủy sống đến các cơ quan.

Chức năng của hệ thần kinh là gì?

Hệ thần kinh được xem là mạng lưới giao tiếp của cơ thể, chức năng chính là tiếp nhận, dẫn truyền thông tin giữa các bộ phận bên trong cơ thể và giữa cơ thể đối với môi trường bên ngoài. Từ đó, đưa ra cách cơ thể hoạt động, phản ứng phù hợp. Để cụ thể hơn về vai trò của hệ thần kinh, cần xem xét 2 dạng là: Hệ thống thần kinh vận động và sinh dưỡng (hoặc còn gọi là hệ thống thần kinh thực vật). (3)

  • Hệ thống thần kinh vận động điều khiển cơ xương khớp.
  • Hệ thống thần kinh sinh dưỡng kiểm soát hoạt động của các tuyến và cơ quan bên trong cơ thể.

Tất cả mọi hoạt động của con người đều có kết nối với hệ thống thần kinh. Nhờ cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh, con người có thể thực hiện các phản xạ phức tạp như suy nghĩ, vận động, giác quan và các chức năng cơ bản của cơ thể như nhịp tim, hơi thở, tiêu hóa, đổ mồ hôi…

chức năng của hệ thần kinh
Mọi hoạt động sống của con người đều được kết nối với hệ thần kinh

Hệ thống thần kinh hoạt động như thế nào?

Để duy trì hoạt động, hệ thần kinh sử dụng các tế bào thần kinh gọi là neuron truyền tín hiệu từ não, tủy sống đến các dây thần kinh khắp cơ thể. Có hàng tỷ tế bào thần kinh cùng hoạt động tạo ra mạng lưới giao tiếp và mỗi nhóm tế bào thần kinh sẽ có một chức năng khác nhau. Ví dụ: (4)

  • Các tế bào thần kinh cảm giác sẽ gửi thông tin từ mắt, tai, mũi, lưỡi và da đến não.
  • Các tế bào thần kinh vận động truyền thông điệp từ não và tủy sống đến cơ bắp để các cơ chuyển động, đồng thời hỗ trợ nhịp thở, hành động nuốt và nói chuyện.
  • Các tế bào thần kinh trung gian kết nối tế bào thần kinh cảm giác và tế bào thần kinh vận động bằng cách điều chỉnh chuyển động để đáp ứng với thông tin cảm giác, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong suy nghĩ và ghi nhớ.
  • Một bộ phận quan trọng khác là hệ thống thần kinh tự chủ, gồm có:
    • Hệ thống thần kinh giao cảm – Kiểm soát các phản ứng trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi bị căng thẳng.
    • Hệ thống thần kinh phó giao cảm – Giúp cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi.

Nhờ sự kết nối nhịp nhàng của hệ thần kinh, con người có thể tư duy, di chuyển, cảm nhận, phản ứng thích hợp với môi trường và nhu cầu thay đổi.

Các tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh

Não được bảo vệ bởi hộp sọ, trong khi tủy sống được bao bọc bởi một lớp màng mỏng và các xương trong cột sống. Có thể thấy, hệ thần kinh ở người được bảo vệ khá chắc chắn. Tuy nhiên, hệ thống thần kinh vẫn có thể bị tổn thương bởi một số tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn:

  • Bại liệt, viêm não, viêm màng não… là các bệnh có liên quan nhiễm trùng thường gặp.
  • Đột quỵ, tụ máu dưới màng cứng, thiếu máu cục bộ thoáng qua… thuộc nhóm bệnh về mạch máu.
  • Các loại u não, tình trạng phù não, não úng thủy… gây ra tổn thương, áp lực nội sọ, ảnh hưởng đến não.
  • Bệnh Alzheimer, Parkinson, đa xơ cứng… là các bệnh lý thần kinh phổ biến.
  • Một số người có thể gặp vài vấn đề về thể chất như chấn thương, hội chứng ống cổ tay, bị liệt…

Triệu chứng bệnh lý hệ thần kinh thường gặp

Để kịp thời nhận biết các vấn đề liên quan đến bệnh lý hệ thần kinh, người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng. Tùy theo từng dạng bệnh, dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau:

  • Đau, tê hoặc có cảm giác như kiến bò quanh cơ thể.
  • Giảm khả năng vận động, giữ thăng bằng
  • Đau đầu, mờ mắt, mệt mỏi, tê yếu, liệt cơ thể…
  • Hành vi và tâm trạng thay đổi bất thường.
  • Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ và lý luận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với một số triệu chứng bệnh lý hệ thống thần kinh nghiêm trọng, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt, như:

  • Đau đầu nhiều, dữ dội, bất thường.
  • Choáng váng, ngất xỉu.
  • Cảm thấy yếu cơ.
  • Tê liệt một bên cơ thể.
  • Mất thị lực đột ngột.
  • Nói chuyện lắp bắp.
  • Lú lẫn, mất trí nhớ…
khám bác sĩ khi có vấn đề về hệ thần kinh
Nên liên hệ với bác sĩ nếu gặp các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh

Cách chẩn đoán bệnh lý hệ thần kinh

Để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây ra bệnh lý hệ thống thần kinh, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và có thể áp dụng các cận lâm sàng sau đây:

  • Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, có thể cho thấy cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) có thể giúp bác sĩ quan sát và đánh giá các cấu trúc khác nhau bên trong cơ thể.
  • Điện não đồ giúp kiểm tra chức năng của não, thường được áp dụng với các trường hợp bị co giật hoặc động kinh, mất trí nhớ…
  • Chọc dò tủy sống là thủ thuật sử dụng kim để thu thập mẫu dịch não tủy và xét nghiệm, giúp chẩn đoán các vấn đề liên quan đến não, dây thần kinh và tủy sống.
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm điện tâm đồ giúp theo dõi hoạt động của tim mạch…

Cách chăm sóc sức khỏe hệ thống thần kinh

Sức khỏe hệ thần kinh cần được chăm sóc thông qua kế hoạch sinh hoạt khoa học và chế độ dinh dưỡng hợp lý.

  • Ngủ đủ giấc: Não bộ cần có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Có thể nói, ngủ đủ giấc chính là chìa khóa quan trọng cho một hệ thần kinh khỏe mạnh, đặc biệt đối với người bệnh trầm cảm.
  • Tập luyện đều đặn: Vận động thể chất đúng cách có thể giúp cải thiện tâm trạng và kích thích sự phát triển của các tế bào mới. Dựa vào thể trạng và tình trạng sức khỏe, sở thích cá nhân, mỗi người có thể chọn một bài tập hoặc môn thể thao phù hợp.
  • Ăn uống khoa học: Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng, cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho sức khỏe của hệ thống thần kinh. Các thực phẩm giàu omega-3 rất quan trọng đối với não bộ. Ngoài ra, các thành phần dinh dưỡng khác như vitamin, protein, và kẽm cũng cần được bổ sung đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày.
  • Giữ tinh thần lạc quan: Khi có tinh thần lạc quan, cơ thể sẽ tiết ra morphin nội sinh giúp con người cảm thấy hạnh phúc, hạn chế áp lực tinh thần dẫn đến bệnh trầm cảm.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Mỗi người nên duy trì khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe thần kinh định kỳ, lý tưởng là 2 lần mỗi năm. Thông qua các chỉ định chụp chiếu, xét nghiệm hiện đại, bác sĩ có thể giúp phát hiện các bất thường ở hệ thống thần kinh, từ đó kịp thời can thiệp.

Hãy liên hệ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thông qua thông tin sau:

Hệ thần kinh là trung tâm của mọi hoạt động sống, mỗi người cần chú ý các triệu chứng bất thường (nếu có) để bảo vệ sức khỏe. Tốt nhất nên thăm khám sức khỏe định kỳ và liên hệ sớm với bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh liên quan hệ thống thần kinh để được thăm khám, điều trị kịp thời.