Viết đoạn văn suy nghĩ về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" (4 mẫu)

admin

Viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" gồm 4 mẫu hay nhất, giúp các em học sinh lớp 7 hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của lời hứa để viết đoạn văn thật hay.

Lời hứa

Giữ gìn lời hứa là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc tạo dựng uy tín, giá trị của một con người. Lời hứa vô cùng quan trọng, bởi khi lời hứa được nói ra đã gieo vào lòng người nghe niềm hi vọng và sự tin tưởng. Vậy nên chúng ta cần giữ lời hứa, chỉ hứa khi có thể thực hiện được. Mời các em cùng theo dõi bài viết để trả lời câu hỏi Vận dụng Bài 4: Giữ chữ tín SGK GDCD 7 Kết nối tri thức.

Đề bài: Viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ của em về lời khuyên: "Hãy tiết kiệm lời hứa"

Đoạn văn suy nghĩ về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" - Mẫu 1

Lời hứa là những lời nói ra để xác nhận rằng mình sẽ thực hiện điều đó với người được hứa. Tiết kiệm là một đức tính tốt, chỉ một hành động sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tài sản và thời gian. Vậy tại sao phải “tiết kiệm lời hứa”? Lời hứa có thể là một lời nói bâng quơ, cũng có thể là một lời khẳng định được viết trên giấy tờ hay có minh chứng. Tuy nhiên, dù như nào thì khi lời hứa được nói ra, người hứa phải luôn thực hiện được, như thế mới đảm bảo rằng mình là người giữ chữ tín và là người có đạo đức tốt. Nhưng đôi khi có những điều rất khó để thực hiện nên khi mình hứa thì sẽ làm cho người kia hy vọng và chờ đợi. Nếu mình thất hứa mà không thực hiện được thì người được hứa sẽ rất tổn thương và mình lại bị trở thành người mất chữ tín. Do đó lời hứa cũng nên được “tiết kiệm” lại.

Đoạn văn suy nghĩ về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" - Mẫu 2

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều sẽ có rất nhiều lời hứa dành cho người khác và nhiều lời hứa người khác dành cho mình. Tuy rằng lời hứa vốn dĩ chỉ là một câu nói, và ai cũng có thể dễ dàng nói ra lời hứa. Nhưng lời hứa lại không hề giống những câu nói bình thường khác. Một khi lời hứa được nói ra, nó đã gieo vào lòng người nghe niềm hi vọng và sự tin tưởng. Bởi vậy, khi lời hứa không được thực hiện, mỗi người đều sẽ cảm thấy rất buồn, và niềm tin dành cho nhau sẽ dần dần không còn nữa. Lời hứa tuy không phải tiền, nhưng nó còn quý giá hơn cả tiền, và mỗi chúng ta đều không nên tùy tiện nói ra lời hứa. Vì thế lời hứa cũng cần phải tiết kiệm, mỗi người đều chỉ nên nói ra lời hứa khi bản thân có thể làm được và phải cố gắng hết sức để thực hiện được lời hứa đó.

Đoạn văn suy nghĩ về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" - Mẫu 3

Có thể nói, giữ lời hứa là một trong những việc làm khó khăn nhất của con người vì trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, xem mình có đủ khả năng để thực hiện lời hứa đó hay không và đã hứa thì phải giữ, nếu không thực hiện được thì phải gánh chịu hậu quả, không được che dấu, lờ đi hoặc đổ lỗi cho người khác. Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn rất đáng để người khác ủy thác trách nghiệm. Còn nếu không giữ lời hứa, người khác sẽ không những không tin tưởng bạn mà còn xa lánh bạn. Ví dụ như bạn rất tin tưởng và giao một công việc rất quan trọng cho một người bạn nhưng người đó lại không thực hiện mà ngược lại: họ tìm cớ để đùn đẩy trách nghiệm cho việc không giữ lời hứa đó, không thực hiện vì những nguyên nhân này, nguyên nhân khác nghe rất êm tai nhưng sự thật đằng sau lại là người đó lười hoặc quên…. Bạn sẽ cảm thấy mình bị lừa dối và không được tôn trọng. Nếu bạn cũng làm vậy với những người khác, lời hứa của bạn chẳng có chút giá trị nào cả, và uy tín của bạn cũng từ đó mà giảm sút. Vì thế lời hứa cũng cần phải tiết kiệm, mỗi người đều chỉ nên nói ra lời hứa khi bản thân có thể làm được và phải cố gắng hết sức để thực hiện được lời hứa đó.

Đoạn văn suy nghĩ về lời khuyên "Hãy tiết kiệm lời hứa" - Mẫu 4

Lời hứa thường xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ai trong chúng ta cũng từng hứa hẹn và cũng có thể đã từng thất hứa. Cho dù sự thất hứa đó là lỗi vô tình hay cố ý, thì điều đó cũng dẫn tới nỗi buồn cho người khác. Vì muốn tránh làm tổn thương và cũng muốn làm hài lòng đối phương, người ta không tiếc dùng những lời nói ngọt ngào, đưa ra những lời hứa hẹn thật tốt đẹp. Có người thản nhiên xem lời hứa như một câu cửa miệng, hứa rồi lại hứa. Cứ hứa mãi, rồi đến một lúc nào đó sẽ không còn mấy ai tin lời hứa của mình nữa. Hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều là biểu hiện của một người không chân thành và thiếu nghiêm túc. Khi lời hứa không thành, họ lại đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ. Nếu bạn tạo ra lý do để nói dối người khác, thì chính là bạn tự dối lừa dối bản thân mình; đồng thời đang gây ra sự tổn thương sâu sắc cho người khác. Hứa không khó nhưng quan trọng là thời gian, kết quả thực hiện. Mỗi khi hứa hẹn điều gì, chúng ta cần phải có trách nhiệm với chính mình, với người đã hứa và lời hứa. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong đợi, tuy nhiên một khi đã hứa thì cho dù có khó khăn đến mấy cũng phải làm, đừng để lời nói như “gió thoảng, mây bay”. Vì vậy, chúng ta hãy “tiết kiệm lời hứa”, trước khi hứa một việc gì chúng ta cần phải suy nghĩ chín chắn, khả năng làm được thì mới hứa. Hứa trong khả năng của mình để hiệu quả của việc thực hiện lời hứa cao hơn. Giữ gìn lời hứa là một trong những tiêu chí trong việc tạo dựng uy tín và giá trị của một người.