Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích lớp 4

admin

Văn mẫu lớp 4

Bản quyền thuộc về VnDoc
Nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức!

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4 - Mẫu 1

Những câu chuyện cổ tích với các nhân vật mang phẩm chất tốt đẹp, dũng cảm, cao thượng, kết hợp với những chi tiết kì ảo, thú vị luôn khiến em yêu thích và say mê. Một câu chuyện cổ tích hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố đó mà em đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần rồi, chính là truyện “Thạch Sanh”.

Câu chuyện kể về chàng Thạch Sanh vốn là thái tử nhà trời, nhưng xuống trần gian đầu thai làm con của một cặp vợ chồng già tốt bụng. Từ nhỏ, anh đã thông minh, lanh lợi. Sau khi cha mẹ qua đời, một mình anh sống trong túp lều nhỏ dưới gốc đa, làm nghề đốn củi kiếm sống qua ngày. Anh còn được thiên thần từ trên trời xuống dạy cho tài phép, võ nghệ, nên vô cùng tài giỏi, dũng mãnh. Nhận ra điều đó, một người bán rượu tên là Lý Thông đã chủ động xin kết nghĩa với Thạch Sanh. Vốn tứ cố vô thân bao lâu nay, nên anh mừng lắm, liền đồng ý ngay. Sau đó, thu dọn hành lý đến nhà Lý Thông ở, phụ giúp hắn làm việc nhà, phục vụ cho quán rượu của hắn. Anh không ngờ rằng, lý do mà Lý Thông muốn kết nghĩa với mình chỉ là muốn lợi dung anh làm việc không công cho hắn mà thôi. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, mà các kiếp nạn sau này của cuộc đời anh cũng đều từ con người xấu xa này mang lại.

Tháng đó, Lý Thông được chỉ định là người nộp mạng cho trăn tinh. Hắn liền lập mưu lừa Thạch Sanh thay mình đi ra đền trong đêm tối. Nhưng nhờ tài nghệ cao cường, Thạch Sanh đã thành công giết chết trăn tinh, chặt đầu nó mang về nhà. Thấy thế, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh rằng đó là con trăn do vua nuôi, khiến anh vội vàng bỏ trốn về túp lều cũ sinh sống. Còn hắn thì xách đầu trăn lên kinh nộp cho nhà vua để nhận thưởng hậu hĩnh. Từ ngày đó, Lý Thông từ một tên bán rượu tầm thường trở thành một anh hùng trong mắt nhân dân.

Ít lâu sau, khi nhà vua đang tổ chức lễ hội, thì công chúa Quỳnh Nga bất ngờ bị đại bàng tinh bắt đi. Lý Thông vốn mang danh anh hùng liền được vua cử đi cứu công chúa. Trên đường dẫn binh lính truy tìm dấu vết của đại bàng tinh, hắn bất ngờ gặp Thạch Sanh đang cầm cung tên chạy theo vết máu trên mặt đất. Thì ra, anh đã nhìn thấy đại bàng tinh đang bắt một cô gái bay qua nên bắn tên làm bị thương cánh của nó. Thế là Thạch Sanh kết hợp với Lý Thông, dẫn quân lính đến hang đại bàng tinh. Thạch Sanh nhảy xuống hang trước, đại chiến với đại bàng tinh và giết nó, rồi làm cầu cho công chúa lên miệng hang. Khi anh chuẩn bị nhảy lên ngay sau công chúa, thì Lý Thông lại sai lính lấy đá lấp cửa hang, hòng giết chết anh cướp công. Hành động trơ trẽn đó khiến công chúa tức giận đến bị bệnh câm, chỉ ngồi yên một chỗ như tượng đá. Dẫu vậy, nhà vua vẫn rất mừng khi con gái bình an trở về, nên phong cho Lý Thông làm phò mã, chờ ngày lành để tổ chức hôn lễ.

Về phía Thạch Sanh, anh bị nhốt ở dưới hang, nhưng nhờ lần theo tiếng gió thổi vẫn tìm được một lối thoát khác. Trên đường đi, anh còn giải cứu cho con trai của vua Thủy Tề đang bị giam cầm trong ngách tối. Vua Thủy Tề tặng cho anh rất nhiều vàng bạc châu báu nhưng anh từ chối, chỉ nhận lấy một cây đàn thần. Nhờ cây đàn thần ấy, mà khi bị nhốt oan vào ngục tối do bị hồn trăn tinh, đại bàng tinh hãm hại, anh đã có cơ hội được gặp nhà vua. Vì tiếng đàn thần đã bay vào cung cấm, chữa khỏi bệnh câm cho công chúa. Khi gặp mặt nhà vua, Thạch Sanh kể hết toàn bộ sự thật, khiến mẹ con Lý Thông bị vạch trần bộ mặt của mình. Dẫu vậy, anh vẫn tha chết cho mẹ con Lý Thông và đuổi họ về quê, chứ không đuổi tận giết tuyệt. Nhưng ông trời thì không làm như thế. Trên đường hai mẹ con độc ác đó về quê, đã bị sét đánh chết, hóa thành bọ hung.

Ít lâu sau, tin tức đám cưới giữa Thạch Sanh và công chúa Quỳnh Nga được tung ra khiến hoàng tử các nước chư hầu vô cùng phẫn nộ. Họ đem quân sang muốn tấn công nước ta. Trước tình thế cam go, Thạch Sanh chủ động một mình ra đối phó với kẻ địch. Anh dùng niêu cơm thần để chiến thắng trước thử thách với binh lính các nước chư hầu, khiến sĩ khí của họ giảm sút. Sau đó dùng tiếng đàn thần khơi đậy nỗi nhớ quê nhà, tình cảm gia đình trong lòng binh lính, khiến họ buông bỏ vũ khí, chỉ mong được trở về quê hương đoàn tụ với người thân. Nhờ thế, quân ta đã chiến thắng giặc ngoại xâm mà không một ai phải hi sinh. Sau sự kiện đó, Thạch Sanh được nhân dân yêu mến, ủng hộ nhiệt liệt. Khi nhà vua qua đời, anh được nối ngôi ông, trở thành một vị vua hiền lành, đức độ.

Đối với em, chàng Thạch Sanh chính là bức tượng đài cao lớn nhất về hình tượng người anh hùng trong thế giới truyện cổ tích. Anh ấy đã truyền cảm hứng cho em về sự dũng cảm và lương thiện trong cuộc sống này. Dẫu người khác đối xử với chúng ta sao, thì cũng không được thay đổi trái tim của bản thân mình.

Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích lớp 4 - Mẫu 2

Truyện cổ tích là những câu chuyện hay và chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Dù là truyện cổ tích của nước nào thì cũng đều mang một sứ mệnh cao cả như thế. Em đã được trải nghiệm sâu sắc điều đó khi được đọc những câu chuyện cổ tích của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, câu chuyện khiến em yêu thích nhất, chính là “Non-bu và Heng-bu” - một truyện cổ tích đến từ xứ sở Kim Chi.

Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Non-bu và Heng-bu. Đây là hai anh em trai ruột, nhưng có tính cách rất khác nhau. Người anh Non-bu không chỉ lười biếng, tham lam mà còn độc ác và tàn nhẫn. Trái lại, người em Heng-bu thì chăm chỉ, hiền lành và chịu khó. Cuộc sống vẫn trôi qua bình yên cho đến khi cha của hai người đột ngột qua đời mà không kịp nói một lời trăn trối. Thế là người anh Non-bu chiếm hết nhà cửa tài sản rồi đuổi em trai mình ra ngoài đường. Dẫu bị đối xử như vậy, nhưng Heng-bu vẫn không hề oán giận anh, mà bình tĩnh chấp nhận hiện thực. Cậu vẫn chăm chỉ làm lụng mỗi ngày. Khi có ai đến nhờ giúp đỡ, cậu sẽ sẵn lòng san sẻ ngay. Bởi vậy mà Heng-bu được người dân trong làng vô cùng yêu mến.

Mùa đông năm đó, nơi Heng-bu ở có tuyết rất lớn. Chiều nọ, cậu phát hiện một chú chim nhạn bị thương ở cánh nằm ngay góc hiên nhà mình. Thương chú chim nhỏ tội nghiệp, Heng-bu đón chim vào nhà, ân cần chăm sóc đôi cánh của chú. Suốt mùa đông năm đó, nhờ có Heng-bu mà chim nhạn không phải lo đói rét hay bị thú dữ ăn thịt. Chờ mùa xuân về, chim nhạn tạm biệt Heng-bu và rời đi. Sau đó ít lâu, chú trở về và tặng cho Heng-bu một hạt bầu thần. Khi cậu vừa gieo hạt bầu xuống đất, nó liền nảy mầm, vươn cành xòe lá nhanh đến thần kì. Tuy cành bầu bò khắp sân và nóc nhà, nhưng kì lạ thay chỉ cho ra có ba quả bầu. Khi Heng-bu bổ những quả bầu này ra, bên trong ào ra rất nhiều vàng bạc, châu báu. Nhờ vậy mà cậu trở nên giàu có, không chỉ có cuộc sống sung túc mà còn giúp đỡ được cho rất nhiều bà con trong làng.

Khi hay tin Heng-bu trở nên giàu có, người anh trai Non-bu liền lân la đến hỏi thăm. Sau khi biết chuyện về chú chim nhạn và hạt đậu thần kì, hắn liền trở về nhà với khuôn mặt gian xảo như đang toan tính gì đó. Quả nhiên, ngày hôm sau, Non-bu đã đứng rình rập trước sân, chờ có chim nhạn bay qua thì tìm cách bắt lấy một con chim nhỏ và bẻ gãy cánh của nó. Sau đó, hắn giả vờ yêu thương, chăm sóc chim để đòi nó một hạt bầu thần. Mùa xuân về, chim nhạn bay đi rồi lại mang về cho Non-bu một hạt bầu thần. Hắn sung sướng lắm, liền vội vàng trồng hạt bầu xuống đất. Cảnh tượng kì lạ ở nhà Heng-bu lại một lần nữa diễn ra ở nhà Non-bu. Chỉ là khi Non-bu bổ ba quả bầu ra thì chẳng có vàng bạc, châu báu nào cả, mà chỉ toàn rắn rết, ếch nhái. Không những thế, quả bầu thứ ba còn xuất hiện một nhóm cướp hung dữ. Chúng đánh đập Non-bu rất hung bạo, rồi cướp sạch của cải nhà hắn và rời đi. Thế là Non-bu vừa bị đánh đòn lại còn mất tất cả, trở thành một kẻ ăn xin nghèo khổ.

Câu chuyện “Non-bu và Heng-bu” có mô típ tương tự câu chuyện “Cây khế” của nước ta. Thông qua hai nhân vật chính, tác giả đã gửi gắm bài học về cách sống nhân hậu, giàu lòng nhân ái tới người đọc. Nhắn nhủ chúng ta chớ có học theo Non-bu để rồi phải nhận kết quả đau lòng. Đó là bài học vỡ lòng cho những bạn nhỏ từ các câu chuyện cổ tích.

Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 4 - Mẫu 3

Những câu chuyện cổ tích với các chi tiết thần kì, huyền ảo luôn có sức hấp dẫn khó mà từ chối đối với em. Trong các câu chuyện đã đọc, Cây tre trăm đốt là câu chuyện mà em ấn tượng nhiều nhất.

Câu chuyện kể về anh Khoai - một chàng thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn lại cần cù, chịu khó. Biết anh không có người thân, tên địa chủ đã gọi anh đến và hứa hẹn sẽ gả con gái cho anh ta. Và điều kiện, là anh Khoai phải làm việc cho nhà ông ta ba năm không lấy tiền công. Anh Khoai đồng ý, và từ hôm đó, anh làm việc quần quật sớm hôm, không quản nắng mưa. Nhờ vậy, của cải nhà phú ông ngày càng đầy lên. Thế nhưng, khi ngày hẹn đến, phú ông lại đưa ra thêm một yêu cầu, đó là sính lễ. Ông đòi anh Khoai đem đến cây tre trăm đốt, thì mới gả con gái cho. Anh nông dân ngây thơ, nghe thấy vậy liền vác rìu lên rừng tìm tre. Còn phú ông, thì chờ anh vừa rời đi, liền lập tức tổ chức đám cưới cho con gái và một cậu ấm nhà phú ông làng bên.

Anh Khoai đi mãi qua nhiều ngọn đồi, nhiều khu rừng mà mãi vẫn không tìm được cây tre dài đủ trăm đốt. Khi anh đang bế tắc, đau khổ, thì ông Bụt đã hiện ra. Ông bảo anh đi chặt về một trăm đốt tre rời. Rồi dạy anh câu thần chú “khắc nhập, khắc nhập” để nối chúng lại thành cây tre dài trăm đốt. Ông còn dạy anh câu thần chú “khắc xuất, khắc xuất” để các đốt tre tách ra, bó gọn lại cho dễ mang về nhà. Nhờ có ông Bụt, anh Khoai có được sính lễ mà phú ông yêu cầu. Anh hăm hở trở về nhà với niềm vui sướng vô cùng. Ngờ đâu, khi anh về đến nơi, đám cưới đang được tổ chức linh đình, mà chú rể không phải anh. Anh Khoai tức giận lắm, liền đọc thần chú, nối liền tên phú ông gian manh vào một trăm đốt tre, khiến ông ta vừa xấu hổ lại đau đớn vô cùng. Tên phú hộ kia cũng muốn chạy lại cứu giúp, thì bị anh Khoai đọc thần chú cho dính liền vào với cây tre luôn. Cuối cùng, anh yêu cầu tên phú ông phải thực hiện lời hứa, thì anh mới thả họ ra. Quá đau đớn, tên phú ông đành phải đồng ý. Thế là, đám cưới của anh Khoai và con gái phú ông được tổ chức linh đình trong sự chúc phúc của bà con.

Trong câu chuyện Cây tre trăm đốt, anh Khoai đã sử dụng phép thuật để trừng phạt trực tiếp những kẻ xấu xa. Chi tiết đó khiến người đọc vô cùng hả dạ. Đó cũng là bài học cho những kẻ có ý định lừa dối, lợi dụng kẻ khác thì phải dừng lại ngay, nếu không sẽ phải nhận hậu quả nặng nề. Bài học ấy đã được tác giả dân gian gửi gắm khéo léo trong câu chuyện trên.

Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 4 - Mẫu 4

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện hay và ý nghĩa. Câu chuyện cổ tích đầu tiên mà em được đọc, cũng là câu chuyện mà em yêu thích nhất. Đó là câu chuyện cổ tích Cây khế.

Cây khế kể về hai anh em ruột cùng chung sống trong một ngôi nhà nhưng lại có tính cách trái ngược nhau. Người anh trai tham lam, lười biếng bao nhiêu, thì người em lại chăm chỉ, lương thiện bấy nhiêu. Một ngày nọ, người cha đột ngột qua đời mà không để lại lời dặn dò nào. Người anh trai liền nhân cơ hội đó, dành lấy hết mọi tài sản và chia cho em mình duy nhất một cây khế già, rồi đuổi em ra sống ở túp lều nhỏ cạnh cây khế. Tuy bị anh trai đối xử như vậy, người em vẫn không hề oán hận. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng người em vẫn lạc quan, chăm chỉ tiến tới. Cậu còn thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, nên rất được mọi người yêu quý.

Mùa hè năm đó, cây khế già nhà người em trai bất ngờ sai trái. Quả nào cũng to và ngọt nước, nên thu hút nhiều chim chóc đến ăn. Một hôm, từ phương xa bay đến một con chim lớn. Nó ăn rất nhiều quả, mà ngày nào cũng đến ăn nên tán khế thưa thớt quả dần. Thấy vậy, người em bèn ra đứng dưới gốc cây than thở với chim về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, mong chim đừng đến ăn trái nữa. Ngờ đâu, con chim ấy lại biết nói tiếng người, đã vậy còn hứa hẹn sẽ dùng vàng trả tiền cho số khế nó đã ăn. Nó hẹn người em trai may túi ba gang, rồi chờ nó đến chở ra đảo lấy vàng. Hôm sau, chim thần thật sự xuất hiện và đưa người em ra một hòn đảo lớn chứa đầy vàng bạc châu báu. Nhờ chuyến đi đó, mà gia đình người em trở nên giàu có, sung túc.

Hay tin, người anh trai tham lam lập tức lân la sang nhà để hỏi thăm. Biết chuyện chim thần, hắn đem hết gia sản của mình để đổi lấy cây khế của em trai. Rồi lại bắt chước em ra gốc cây than thở với chim thần. Nhờ vậy, hắn cũng được chim thần hứa hẹn đưa ra đảo vàng như đã hứa với người em. Tuy nhiên, sự tham lam và xảo trá, đã khiến hắn ta may một chiếc túi những mười hai gang. Đã vậy, hắn còn cố nhồi nhét thêm vàng vào túi áo, túi quần. Điều đó làm chim thần chật vật mãi mới bay lên cao được. Nhưng xui xẻo thay, trên đường về bất ngờ có cơn bão lớn ập đến, khiến chim rớt xuống biển. Tuy nhiên, chim thần nhanh chóng vỗ cánh vùng bay lên được. Còn tên anh trai tham lam thì vì buộc lên người số vàng quá lớn, nên đã nhanh chóng chìm sâu xuống biển

Kết cục ấy của câu chuyện đã dạy cho người đọc bài học ý nghĩa. Rằng ở đời, người sống hiền lành sẽ được hưởng may mắn, còn kẻ tham lam, xảo trá thì sẽ bị trừng phạt.