Biến đổi khí hậu được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt trong thế kỷ 21. Vậy biến đổi khí hậu là gì và nó tác động đến đời sống con người ra sao?
Các loại khí nhà kính bao phủ Trái Đất và giữ lại nhiệt của Mặt Trời trong khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Thế giới hiện đang ấm lên với tốc độ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào được ghi nhận trong quá khứ. Theo thời gian, sự gia tăng nhiệt độ này làm thay đổi các hình thái thời tiết và phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên. Tình trạng này có thể mang đến nhiều nguy cơ cho con người cũng như các sinh vật sống trên Trái Đất.
Nhiệt độ nóng lên
Khi nồng độ khí nhà kính tăng lên, nhiệt độ trên bề mặt toàn cầu cũng tăng theo. Thập kỷ 2011-2020 vừa qua được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử. Kể từ những năm 1980, nhiệt độ của thập kỷ sau luôn cao hơn so với thập kỷ trước đó. Gần như toàn bộ các khu vực trên đất liền đều ghi nhận sự gia tăng số ngày nắng nóng và các đợt sóng nhiệt. Nhiệt độ tăng kéo theo sự gia tăng các bệnh do nhiệt độ cao gây ra và khiến việc thực hiện các công việc ngoài trời trở nên khó khăn hơn. Cùng với đó, cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và tốc độ lan nhanh hơn rất nhiều khi khí hậu nóng lên. Nhiệt độ ở hai cực của Trái Đất đã tăng ít nhất gấp hai lần so với mức tăng nhiệt độ trung bình của thế giới.
Thêm nhiều cơn bão dữ dội
Biến đổi khí hậu khiến những cơn bão lớn trở nên khốc liệt hơn và xuất hiện thường xuyên hơn ở nhiều khu vực. Do nhiệt độ tăng, nước bốc hơi càng nhiều khiến tình trạng mưa cực lớn và ngập lụt trở nên trầm trọng hơn, kéo theo sự xuất hiện thêm nhiều cơn bão có sức tàn phá hủy diệt. Tình trạng nước biển nóng lên cũng ảnh hưởng đến tần suất và quy mô của các cơn bão nhiệt đới. Các cơn lốc xoáy, cuồng phong và bão đều lớn mạnh thêm nhờ dòng nước nóng trên bề mặt đại dương. Những cơn bão như vậy có thể phá hủy nhà cửa và các khu dân cư, gây ra thiệt hại về người cũng như mất mát lớn về kinh tế.
Hạn hán kéo dài
Biến đổi khí hậu tác động đến lượng nước trong tự nhiên, khiến ngày càng nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do tác động của sự nóng lên toàn cầu, kéo theo đó là gia tăng nguy cơ hạn hán nông nghiệp ảnh hưởng đến mùa vụ và hạn hán sinh thái khiến các hệ sinh thái dễ bị tổn thương hơn. Các đợt hạn hán còn gây ra những trận bão cát và bụi khắc nghiệt có thể di chuyển hàng tỷ tấn cát qua các châu lục. Các sa mạc ngày càng mở rộng, làm diện tích đất trồng trọt bị thu hẹp lại. Nhiều người đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Nước biển nóng lên và ngày càng dâng cao
Đại đương hấp thụ phần lớn lượng nhiệt phát sinh từ tình trạng nóng lên toàn cầu. Trong vòng hai thập kỷ qua, tốc độ nước biển nóng lên đã tăng mạnh ở mọi độ sâu của đại dương. Khi đại dương nóng lên, thể tích đại dương cũng theo đó mà tăng lên do sự giãn nở của nước. Các tảng băng tan cũng làm mực nước biển dâng, đe dọa các cộng đồng ven biển và hải đảo. Ngoài ra, đại dương hấp thụ CO2, giữ cho chúng không bay vào khí quyển. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều CO2 lại làm tăng tính axit của đại dương và gây ảnh hưởng đến các rạn san hô và sinh vật biển.
Các loài sinh vật biến mất
Biến đổi khí hậu đe dọa đến sự tồn tại của các loài sinh vật cả trên cạn lẫn dưới biển. Nguy cơ ngày càng tăng khi nhiệt độ càng lên cao. Do biến đổi khí hậu, các sinh vật trên thế giới đang biến mất dần với tốc độ nhanh hơn gấp 1.000 lần so với mọi thời điểm từng được ghi nhận trong lịch sử loài người. Một triệu loài sinh vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ tới. Cháy rừng, thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh xâm hại và dịch bệnh là những mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu. Một số giống loài có thể di cư và tiếp tục tồn tại, tuy nhiên không phải loài nào cũng làm được như vậy.
Thiếu thốn lương thực
Sự thay đổi về khí hậu và sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan là hai trong số những lý do làm gia tăng nạn đói cũng như tình trạng thiếu thốn dinh dưỡng. Thủy sản, cây trồng và vật nuôi có thể bị hủy hoại hoặc năng suất sẽ kém đi. Khi mà nồng độ axit trong nước biển tăng cao, nguồn hải sản đang nuôi sống hàng tỷ người bị đe dọa. Sự thay đổi của lớp băng tuyết ở nhiều vùng cực Bắc đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực đến từ hoạt động chăn nuôi, săn bắn và đánh cá. Tình trạng nóng lên có thể làm giảm nguồn nước và mất đi những đồng cỏ để chăn thả, do đó làm giảm năng suất mùa vụ và ảnh hưởng đến gia súc.
Thêm nhiều mối đe dọa đến sức khỏe
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa về sức khỏe lớn nhất mà con người phải đối mặt. Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang gây hại cho sức khỏe con người, từ những vấn đề như ô nhiễm không khí, bệnh dịch, hiện tượng thời tiết cực đoan, việc bắt buộc phải di dời, áp lực lên sức khỏe tâm thần và sự gia tăng của nạn đói, cho đến tình trạng thiếu dinh dưỡng ở những khu vực mà con người không thể trồng trọt hay tìm nguồn lương thực cần thiết. Mỗi năm, các yếu tố môi trường đã lấy đi sinh mạng của khoảng 13 triệu người. Những thay đổi về thời tiết đang làm gia tăng dịch bệnh và các hiện tượng thời tiết cực đoan, dẫn đến số người thiệt mạng ngày càng tăng và khiến cho hệ thống y tế không thể theo kịp.
Nghèo đói và di dân
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các yếu tố khiến con người rơi vào đói nghèo. Lũ lụt cuốn trôi các khu ổ chuột ở đô thị, phá hoại nhà cửa và kế sinh nhai. Sức nóng có thể khiến các công việc ngoài trời trở nên khó khăn hơn. Tình trạng khan hiếm nước có thể ảnh hưởng mùa vụ. Theo thống kê, trong thập kỷ vừa qua (2010-2019), các hiện tượng thời tiết đã buộc khoảng 23,1 triệu người phải di dời, khiến họ càng dễ lâm vào nghèo đói. Hầu hết người tị nạn đến từ những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu cũng như ít có khả năng sẵn sàng thích ứng.