Đến năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia bước sang năm thứ tám. Lúc này các tổ chức kháng chiến của ba nước Đông Dương đã trưởng thành vững mạnh, khối đoàn kết liên minh nhân dân ba nước Đông Dương được tăng cường và sự hợp tác giúp đỡ nhau giữa ba nước anh em chặt chẽ hơn. Phong trào đấu tranh nhân dân phát triển rộng khắp, các lực lượng vũ trang ngày càng trưởng thành vững mạnh. Ba nước phối hợp tác chiến một cách chặt chẽ, hài hòa, chi viện giúp đỡ lẫn nhau và liên tiếp làm thất bại các âm mưu chiến tranh của địch.
Trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp đã bị thiệt hại lớn về quân số, các kế hoạch chiến tranh được sự giúp đỡ của Mỹ đã liên tiếp bị phá sản, 19 lần chính phủ bị cải tổ, 5 viên cao ủy và 7 viên tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương bị triệu hồi. Được sự viện trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp kiếm tìm “lối thoát trong danh dự” bằng “Kế hoạch Navarre”, một sản phẩm của sự câu kết giữa Pháp và Mỹ, một kế hoạch chiến lược quy mô lớn với tham vọng “giành thắng lợi quyết định trong thời gian 18 tháng”.
Cuối tháng 9/1953, để đập tan kế hoạch Navarre, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ”[1].
Về sự phối hợp chiến đấu giữa các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, trong kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Bộ Chính trị xác định: Trên mặt trận chính diện, tiến công tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc; phối hợp với quân giải phóng Lào và bộ đội cách mạng Campuchia, đánh địch ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn; đánh thông đường chiến lược Bắc-Nam Đông Dương giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên...
Tiếp theo, ngày 20/12/1953, Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị thông qua Đề án quân sự. Trong Đề án, Tổng Quân ủy đề ra chủ trương tác chiến chiến lược: “Tăng cường chiến tranh du kích ở địch hậu, tăng cường hoạt động ở các chiến trường và Lào, Miên, buộc địch phải phân tán lực lượng và do đó lâm vào bị động”[2].
Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ.
Về sự giúp đỡ đối với Campuchia và Lào, Tổng Quân ủy chỉ rõ: “…trong sự giúp đỡ Cao Miên thì cần chú trọng giúp đỡ mở rộng một vùng căn cứ du kích ở Đông Bắc trong vùng tam giác nằm giữa Biển Hồ, sông Mê Kông và núi Đăng Rếch tạo thành một địa bàn cơ động, ở phía Bắc thì nối liền với Hạ Lào, ở phía Đông thì uy hiếp Tây Nguyên, phía Nam thì nối với Nam Bộ…”. “Nếu hoạt động Đông Xuân của ta thắng lợi thì vùng giải phóng ở Thượng, Trung và Hạ Lào có thể chiếm ½ nước Lào. Vấn đề giúp nước bạn xây dựng vùng giải phóng, xây dựng quân đội, mở mang kinh tế, củng cố chính quyền… trở lên vấn đề rất lớn”[3].
Ngày 10/12/1953, các đơn vị chủ lực của ta tiến công địch ở Lai Châu, mở đầu cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Sau hơn 10 ngày liên tục chiến đấu, thị xã Lai Châu hoàn toàn được giải phóng, Điện Biên Phủ bị uy hiếp từ phía Bắc. Để ứng phó với tình hình ngày càng bất lợi, trong ba ngày từ 20 đến 22/11/1953, Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh với mục đích bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào và tiêu diệt chủ lực Việt Minh.
Tiếp tục phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, cuối tháng 11 năm 1953, hai chính phủ Việt Nam và Lào thống nhất mở chiến dịch tiến công quân Pháp trên chiến trường Trung-Hạ Lào nhằm thu hút quân cơ động Pháp, phá thế tập trung lực lượng của Navarre ở đồng bằng Bắc Bộ, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, mở rộng và củng cố vùng giải phóng Trung-Hạ Lào, xây dựng cơ sở kháng chiến, đánh thông hành lang chiến lược Bắc-Nam, phá vỡ “tuyến cấm” Trung Đông Dương, phối hợp chặt chẽ với chiến trường khác giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân 1953-1954.
Ngày 21/12/1953, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào tiến công địch ở Trung Lào, sau ba ngày chiến đấu đã tiêu diệt ba tiểu đoàn Âu Phi cơ động và một tiểu đoàn pháo binh của địch. Thắng lợi ở Trung Lào đã mở ra một vùng giải phóng từ Nam, Bắc Đường số 9 xuống đến Đông Xavẳnnakhệt, vô hiệu hóa Đường 12, cắt đứt Đường số 9, buộc địch trong tình thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”.
Trên hướng Hạ Lào, ngày 5/1/1954, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 quân chủ lực Việt Nam phối hợp với quân dân Hạ Lào tiến công địch ở nhiều nơi. Ngày 2/2/1954, tiến công đồn Pui, thị xã Áttapư. Ngày 4/2, tiêu diệt và làm tan rã các lực lượng ở các tiểu khu Áttapư, Pạcxoòng và các vị trí phòng thủ bên ngoài tiểu khu Xaravan. Cùng thời gian này, Trung đoàn 101 sau khi hoàn thành nhiệm vụ tác chiến ở Trung Lào đã tiến xuống kết hợp cùng Tiểu đoàn 436 và quân giải phóng Lào đánh địch ở Hạ Lào.
Tính đến tháng 3/1954, ở mặt trận Hạ Lào, Liên quân Lào-Việt đã đánh tổng cộng 12 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 3.000 tên địch, giải phóng toàn bộ Áttapư, gần hết cao nguyên Bôlôven và hơn nửa phần đất đai hai tỉnh Xaravan và Chămpasắc buộc địch phải tăng cường quân xuống. Chiến thắng Trung-Hạ Lào đã thực hiện được yêu cầu chiến lược hàng đầu là buộc Navarre phải tiếp tục phân tán khối cơ động chiến lược của chúng, góp phần giảm khối chủ lực địch trên chiến trường Bắc Bộ, nhất là đối với chiến trường chính Điện Biên Phủ.
Tính đến tháng 3/1954, ở mặt trận Hạ Lào, Liên quân Lào-Việt đã đánh tổng cộng 12 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 3.000 tên địch, giải phóng toàn bộ Áttapư, gần hết cao nguyên Bôlôven và hơn nửa phần đất đai hai tỉnh Xaravan và Chămpasắc.
Nhằm cô lập hơn nữa tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được sự giúp đỡ và phối hợp của quân và dân Lào, quân chủ lực Việt Nam mở cuộc tiến công vào phòng tuyến sông Nậm Hu của địch. Liên quân Lào-Việt đã đánh tiêu diệt quân địch ở Mường Khoa (31/1/1954), Mường Ngòi, Nậm Ngà (3/2/1954), giải phóng hoàn toàn tỉnh Phôngxalỳ (24/2/1954) và lưu vực sông Nậm Hu. Thất bại này khiến phòng tuyến sông Nậm Hu nối Thượng Lào với Điện Biên Phủ của địch bị tan vỡ hoàn toàn.
Cuối tháng 1/1954, trên mặt trận Điện Biên Phủ, nhận thấy tình hình địch đã thay đổi, lực lượng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được củng cố[4], phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và quyết định này được Bộ Chính trị nhất trí.
Tiếp theo, ngày 30/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư “Về chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ” tới Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh. Căn cứ tình hình địch, ta trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ chủ trương quân sự của ta là tiếp tục chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 theo phương châm: “Sự hoạt động trên chiến trường chính diện và sự hoạt động trên chiến trường địch hậu toàn quốc phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Sự phối hợp toàn quốc và giữa các chiến trường Việt-Miên-Lào bắt đầu thực hiện trong một tháng nay, nay phải đẩy mạnh hơn nữa”[5].